CẨM NANG  Cẩm nang SEO

Nghề SEO là làm gì? Định hướng phát triển và mức lương của nghề SEO 2024

21:24 | 16/01/2024

Website là một trong những kênh được nhiều doanh nghiệp sử dụng để tiếp cận khách hàng tiềm năng trên Internet. Và để website đem lại hiệu quả cao nhất thì không thể bỏ qua công việc SEO website. Trong bài viết này, hãy cùng Vinalink tìm hiểu về nghề SEO, định hướng phát triển và công việc một nhân viên SEO sẽ đảm nhận. Cùng bắt đầu ngay nhé!

 

SEO là gì? Nghề SEO là làm gì?

SEO là từ viết tắt của Search Engine Optimization, hiểu đơn giản nghĩa là “tối ưu hóa công cụ tìm kiếm”. Nghề SEO liên quan đến các công việc thực hiện các kỹ thuật SEO để tối ưu nội dung, cấu trúc website giúp tăng thứ hạng cho website trên trang kết quả tìm kiếm.  

Tầm quan trọng của SEO

Tầm quan trọng của SEO đối với doanh nghiệp

SEO là một trong những hoạt động marketing được nhiều doanh nghiệp chú trọng. SEO đóng vai trò quan trọng và đem lại những lợi ích lớn cho doanh nghiệp: 

  • Giúp tiếp cận khách hàng tiềm năng: Hầu hết người dùng đều sử dụng các công cụ tìm kiếm để truy vấn khi có nhu cầu, mong muốn nào đó. SEO website sẽ giúp bạn thu hút được nhiều người dùng truy cập vào website và có cơ hội tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng hơn.
  • Giúp tăng thứ hạng website: Nhiệm vụ của SEO là tối ưu website sao cho thân thiện với công cụ tìm kiếm và người dùng. Khi website được Google đánh giá cao thì sẽ có nhiều cơ hội được xếp hạng cao trên trang kết quả, và khi xuất hiện ở những kết quả đầu tiên thì sẽ thu hút được rất nhiều lượt nhấp chuột từ người dùng. 
  • Giúp tăng nhận diện thương hiệu: Khi website của bạn xuất hiện trên Google thì đồng nghĩa với việc thương hiệu của bạn cũng sẽ được nhiều người biết đến hơn. Đặc biệt khi website của bạn đủ mạnh, luôn xuất hiện trong bất kỳ truy vấn nào của người dùng thì độ nhận diện thương hiệu sẽ rất cao. 
  • Tăng tỷ lệ chuyển đổi và tăng doanh thu: SEO website giúp website có thứ hạng tốt, được nhiều người dùng nhấp chuột vào hơn, tăng tỷ lệ chuyển đổi và tăng doanh thu cho doanh nghiệp. 

Xác định mục đích học nghề SEO của bạn là gì?

Xác định mục đích học nghề SEO của bạn là gì?

Khi muốn học và bước vào nghề SEO, trước tiên bạn cần xác định mục đích học nghề SEO của bạn là gì. Điều này sẽ giúp bạn có cách tiếp cận với SEO đúng và hiệu quả nhất. Thông thường mục đích khi học nghề SEO của mỗi người sẽ phụ thuộc vào tính chất công việc hiện tại của họ. Cụ thể như:  

  • Sinh viên: Muốn tìm hiểu về SEO, trang bị thêm kiến thức, kỹ năng về SEO để khi ra trường có nhiều cơ hội việc làm tốt.
  • Nhân viên Marketing: Nâng cao kỹ năng marketing để có nhiều cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp hoặc muốn làm thêm để có thêm thu nhập. 
  • Chủ doanh nghiệp: Tìm hiểu về SEO để có thể tối ưu chi phí marketing, quản lý đội nhóm nhân viên SEO. 

Nấc thang thăng tiến là gì? Lương nghề SEO bao nhiêu?

Mỗi một doanh nghiệp khác nhau sẽ có những vị trí thăng tiến cho một nhân viên SEO khác nhau. Nhưng về cơ bản sẽ thăng tiến theo các vị trí sau: Kỹ thuật viên SEO (thực tập sinh SEO) => Chuyên viên SEO => SEO Manager, Leader => SEO Director. Mỗi một vị trí thì mức lương cũng sẽ khác nhau. 

  • Kỹ thuật viên SEO (Thực tập sinh SEO): Vị trí này dành cho những người mới bắt đầu với nghề SEO, mức lương trung bình sẽ giao động từ 5 - 6 triệu/ tháng.
  • Chuyên viên SEO: Vị trí này dành cho SEOers đã có kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp được nâng cao sau quá trình làm việc ở vị trí kỹ thuật viên SEO. Mức lương sẽ dao động từ 7 - 9 triệu/ tháng. 
  • SEO Manager, Leader: Người làm vị trí này sẽ chịu trách nhiệm lên kế hoạch SEO, KPI, giao việc & giám sát cho các nhân viên SEO trong phòng ban. Mức lương dao động từ 12 - 15 triệu/tháng. 
  • SEO Director: Đây là vị trí cấp cao trong doanh nghiệp, sẽ làm việc trực tiếp với các lãnh đạo cấp cao, đưa ra các định hướng chiến lược SEO trong trung và dài hạn cho doanh nghiệp. Mức lương của SEO Director thường 20 triệu/tháng trở lên. 

Nên bắt đầu học nghề SEO như thế nào? Từ đâu?

Nên bắt đầu học nghề SEO như thế nào? Từ đâu?

Nên bắt đầu học nghề SEO như thế nào? Từ đâu? là câu hỏi mà rất nhiều người muốn bước vào nghề SEO quan tâm. SEO không khó nhưng đòi hỏi bạn phải chăm chỉ trang bị các kiến thức và kỹ năng SEO. 

Bạn có thể bắt đầu từ học tại nhà, thông qua các thông tin trên internet. Bạn có thể tham khảo các nội dung được các chuyên gia SEO chia sẻ, các nội dung website uy tín như Vinalink.com, Vinalink.edu.vn … 

Sau khi đã tìm hiểu và nắm cơ bản được các kiến thức về SEO, bạn có thể đăng ký tham gia các khóa học SEO tại các trung tâm để nâng cao kiến thức và trang bị các kỹ năng thực chiến SEO. 

Và cuối cùng, bạn có thể xin đi thực tập ở vị trí kỹ thuật viên SEO ở một công ty nào đó để tích lũy kinh nghiệm và phát triển thêm các kỹ năng thực chiến. 

Một số kỹ năng cơ bản cần có để trở thành một SEOer

Để trở thành một SEOer chuyên nghiệp, bạn nên trang bị cho bản thân một số kỹ năng cần thiết như sau: 

  • Kỹ năng sử dụng các công cụ SEO: Đây là kỹ năng quan trọng nhất, SEOer cần am hiểu và sử dụng thành tạo các công cụ cơ bản về SEO như Google Search Console, Google Analytics, Google Keyword Planner, Ahrefs, Semrush, … 
  • Kỹ năng viết bài: Đây là kỹ năng giúp SEOer có thể sáng tạo các nội dung chuẩn SEO cho website. Ngoài ra, SEOer còn có thể tận dụng kỹ năng này để sáng tạo các nội dung trên mạng xã hội để chia sẻ liên kết về website. 
  • Kỹ năng phân tích như 1 nhà kinh doanh: SEOer cũng cần phải có kỹ năng phân tích như một nhà kinh doanh để có thể am hiểu thị trường, khách hàng, sản phẩm, đối thủ cạnh tranh.  
  • Kỹ năng làm việc nhóm: SEO gồm nhiều công việc khác nhau và các công việc có sự ảnh hưởng đến nhau, nên kỹ năng làm việc nhóm là rất cần thiết để tăng hiệu quả SEO. 
  • Am hiểu HTML: Những kỹ thuật SEO cơ bản đều liên quan tới lập trình nên SEOer cũng cần trang bị thêm cho mình những kiến thức về HTML.
  • Kỹ năng phân tích: SEOer cần trang bị kỹ năng phân tích để có thể phân tích khách hàng, đối thủ … cũng như hiệu quả của quá trình SEO. 

Mô tả công việc nhân viên SEO

Mô tả công việc của nhân viên SEO

Người làm SEO sẽ đảm nhận các công việc liên quan đến SEO như lên kế hoạch SEO, thực hiện, quản lý chiến lược SEO của doanh nghiệp. Tùy vào từng vị trí công việc và doanh nghiệp mà mỗi nhân viên SEO sẽ đảm nhận những công việc khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, một nhân viên SEO sẽ đảm nhận những công việc chính như sau: 

Phân tích đối thủ cạnh tranh

Một trong những công việc đầu tiên khi bắt đầu nhận một dự án SEO mới mà nhân viên SEO cần làm đó là nghiên cứu và phân tích đối thủ cạnh tranh. Công việc này sẽ giúp SEOer nắm được: 

  • Mức độ cạnh tranh của website/từ khóa.
  • Chiến lược và kỹ thuật SEO mà đối thủ đang áp dụng.
  • Sức mạnh website của đối thủ.
  • Các số liệu khác hỗ trợ cho việc nghiên cứu, xây dựng bộ từ khóa.

Nghiên cứu và xây dựng bộ từ khóa

Công việc tiếp theo nhân viên SEO đảm nhận đó là nghiên cứu và xây dựng bộ từ khóa cho chiến dịch SEO. Nghiên cứu từ khóa sẽ giúp nhân viên SEO hiểu được ý định tìm kiếm của người dùng, nắm được những từ khóa có lượng tìm kiếm cao và đánh giá được mức độ cạnh tranh của mỗi từ khóa. 

SEOer có thể sử dụng các công cụ hỗ trợ nghiên cứu từ khóa như: Google Keyword Planner, Keyword Tool, Ahrefs, Google Trends … 

Sáng tạo nội dung Content

Sáng tạo nội dung cho website 

Công việc tiếp theo sau khi xây dựng được bộ từ khóa mà SEOer cần làm đó là sáng tạo nội dung cho các từ khóa đó. SEO bản chất chính là việc đưa các nội dung của website đến gần với người dùng hơn nên sáng tạo nội dung là một công việc rất quan trọng khi thực hiện SEO. 

Nhân viên SEO cần đảm bảo các yếu tố cơ bản cho content như: nên tối thiểu 1000 từ, có chứa từ khóa chính, từ khóa phụ, mật độ từ khóa từ 3-5%, bố cục bài viết rõ ràng, logic và có chia thẻ Heading để người đọc dễ theo dõi, hình ảnh chất lượng cao, sắc nét … Content chất lượng sẽ đem lại hiệu quả cao cho chiến dịch SEO và tăng tỷ lệ chuyển đổi website. 

Tối ưu SEO Onpage và SEO offpage

Một công việc cũng rất quan trọng nhân viên SEO sẽ đảm nhận đó là tối ưu SEO Onpage và SEO Offpage. Tối ưu Onpage sẽ giúp các bot Google thu thập, hiểu và nhanh chóng lập chỉ mục trang của bạn, đồng thời cũng giúp cho website thân thiện với người dùng hơn. Tối ưu Offpage sẽ giúp Google đánh giá cao website của bạn, giúp website có thêm nhiều cơ hội tăng thứ hạng. 

Tối ưu SEO Onpage bao gồm các công việc như: Tối ưu URL (ngắn gọn, đủ ý liên quan đến bài viết và chứa từ khóa chính), tối ưu thẻ title (chứa từ khóa, không nên quá 60 ký tự và kích thích người dùng nhấp vào xem), tối ưu thẻ heading (phân chia cấp các thẻ H1, H2, H3 … theo các mục nội dung chính), tối ưu thẻ Alt, tối ưu internal link (giúp điều hướng các bài có sự liên quan về nội dung hoặc cùng một chủ đề) và tối ưu nội dung (thêm mục lục, tối ưu độ dài bài viết, tối ưu chất lượng bài viết).

Tối ưu SEO Offpage bao gồm các công việc như: xây dựng liên kết chất lượng (link buildings), chia sẻ bài viết trên các kênh social media, diễn đàn, guest post, chia sẻ video lên Youtube, chia sẻ bài viết miễn phí vào các trang tài liệu … 

Một số công việc khác

Bên cạnh các công việc chính trên, nhân viên SEO có thể đảm nhận thêm một số công việc khác (tùy thuộc từng doanh nghiệp) như: tương tác với khách hàng, người dùng khi có phản hồi ở website, quản trị website, xử lý các lỗi cơ bản trên website, báo cáo phân tích hiệu quả SEO hàng tháng, quý, năm …  

Kết luận: 

Qua bài viết “Nghề seo là làm gì? Định hướng phát triển và mức lương của nghề SEO 2024”, Vinalink đã giúp bạn hiểu về tổng quan nghề SEO. SEO là một hoạt động marketing được nhiều doanh nghiệp chú trọng và cơ hội việc làm rất rộng mở. Vinalink cũng đã chia sẻ tới bạn đọc những công việc cơ bản một nhân viên SEO sẽ làm. Hãy trang bị cho bản thân những kỹ năng cần thiết để có thể bắt đầu bước vào nghề SEO bạn nhé! Cảm ơn bạn đã đọc bài viết!

Call Zalo Messenger